Sự thật đằng sau những bộ máy gắn mác “in-house” của nhà Richemont

Trong bài viết mới đây, Watches đã chia sẻ đến các bạn về bộ máy gắn mác “in-house” của Panerai thực chất lại là bộ máy đến từ ETA. Một phát hiện vô cùng chấn động đến từ blogger nổi tiếng về đồng hồ Perezcope. Không chỉ dừng lại ở bộ máy này, Perezcope còn chỉ ra nhiều điểm tương đồng của các bộ máy “in-house” của các thương hiệu thuộc tập đoàn Richemont, bao gồm cả chính Panerai. Cùng khám phá trong bài viết ngày hôm nay nhé!


Máy in-house của Panerai từng là máy in-house của Baume & Mercier và IWC?

Nếu các bạn còn nhớ, thì trong bài viết trước, chúng ta đã cùng so sánh bộ máy mà Panerai công bố là máy in-house có mã hiệu P.900 với bộ máy cũ của hãng có mã là OP XXXIV (máy do bên thứ ba sản xuất, do có ký tự đầu là OP). Thực chất, hai bộ máy này là một, và không có sự khác biệt nào ngoài cái tên.


So sánh hay mẫu máy OPXXXIV (trái) và P.900 (phải)

Đi sâu hơn vào bộ máy OP XXXIV của Panerai, ta biết được bộ máy này do nhà máy ValFleurier (cũng thuộc tập đoàn Richemont với Panerai) sản xuất. Điều thú vị ở đây chính là việc bộ máy này từng được ValFleurier phát triển cho thương hiệu thuộc phân khúc tầm trung (entry-level) của Richemont – Baume & Mercier. Bộ máy đó của Baume & Mercier có tên là Baumatic BM12-1975A.

Đây là một bộ máy công nghệ cao với công nghệ vật liệu silicon cũng như độ trữ cót cực kỳ ấn tượng, lên tới 120 giờ hay khoảng 5 ngày. Bên cạnh việc sở hữu bộ thoát và bánh xe cân bằng làm từ silicon thì dây tóc của mẫu máy này cũng làm từ chất liệu tương tự.

Tham khảo thêm:  Top 10 đồng hồ dành tặng bạn gái ngày 20/10

Tuy nhiên, sau đó bộ máy này vướng phải những khiếu nại từ nhóm các thương hiệu Rolex, Patek Philippe và tập đoàn Swatch Group cùng Viện nghiên cứu CSEM. Lý do là bởi công nghệ dây tóc làm từ silicon đã được nhóm này đăng ký bản quyền. Và kết quả Baume & Mercier không thể tiếp tục sử dụng dây tóc silicon trên bộ máy của mình, và đổi tên bộ máy mới là Baumatic BM13-1975A.

Bộ máy Baumatic này sau đó không chỉ được sử dụng trong các mẫu đồng hồ Panerai mà còn cả ở những chiếc IWC Pilot. Cho những bạn chưa biết thì IWC cũng là một thương hiệu nổi tiếng khác thuộc tập đoàn Richemont. Thực tế, thì máy Baumatic sử dụng trên đồng hồ Panerai và đồng hồ IWC chỉ có độ trữ cót 3 ngày. Và cả hai đều tự gọi đây là máy “in-house” của mình??? Khá là khó hiểu đúng không nào.


So sánh các biến thể của Baumatic  BM13-1975A (trái) vs. IWC Cal. 32110 (giữa)  vs. OPXXXIV, giờ là P.900 (pjải)

Tìm hiểu kỹ hơn, Perezcope thậm chí còn tìm ra rằng bộ máy Baumatic BM12-1975A thực tế không được phát triển từ đầu, mà lại dựa trên nền tảng của một bộ máy khác, có mã hiệu 1847 MC của Cartier. Máy 1847 MC thực tế có khung nhỏ hơn một chút, ổ cót nhỏ hơn (trữ cót kém hơn) và có bộ cầu khác so với BM12-1975A. Bộ máy này dĩ nhiên cũng được phát triển bởi ValFleurier. Thú vị là Cartier (cũng thuộc Richemont) cũng công bố trên website của mình bộ máy 1847 MC được phát triển và chế tạo bởi các nghệ nhân và kỹ sư của hãng?

Tham khảo thêm:  [Tranh luận] Nơi sản xuất đồng hồ có thực sự quan trọng?


So sánh mặt số của hai cỗ máy Cartier 1847 MC (2015) và Baume & Mercier Baumatic (2018)

Thuật ngữ “in-house” có bị lạm dụng quá đà để trục lợi?

Có thể thấy, thuật ngữ máy in-house mà chúng ta biết đến được sử dụng không chuẩn cho lắm với các bộ máy của các thương hiệu thuộc tập đoàn Richemont. “In-house” được sử dụng để chỉ những bộ máy được thiết kế, sản xuất và lắp ráp hoàn toàn bởi một thương hiệu đồng hồ, trong nhà máy của thương hiệu này. Còn trong trường hợp cụ thể của bộ máy Baumatic ở trên, ta thấy cụm từ “in-house” được sử dụng như thể là một “buzzword” hay một từ chuyên môn đã thành mốt, để gây ấn tượng về khả năng chế tác của một thương hiệu.

Thực tế, cái mà chúng ta có ở đây nên được gọi là bộ máy “in-group” như trường hợp của ETA thì đúng hơn. ETA cũng là một nhà sản xuất máy nổi tiếng, hầu như toàn bộ đồng hồ thuộc tập đoàn Swatch đều sử dụng máy của ETA, như cái cách mà hầu hết thương hiệu thuộc Richemont đang dùng máy của ValFleurier vậy.

Một bộ máy khác của ValFleurier cũng được sử dụng chung trong tập đoàn là bộ máy 1904-SP MC của Cartier. Bộ máy này có thể tìm thấy với cái tên là MB 29.22 sử dụng trên những mẫu đồng hồ Montblanc khác nhau. Hay khi sử dụng cho đồng hồ Piaget thì bộ máy này lại được gọi là 1100P hay còn gọi là máy 1326 trên một số mẫu Vacheron Constantin.

Tham khảo thêm:  8 lý do đồng hồ Orient bán chạy tại Việt Nam

Cụ thể hơn, hầu hết các mẫu máy mà Panerai gọi là “in-house” thường có ký hiệu VML, VNK, VOL hoặc VXJ trên thân máy. Các ký hiệu này thú vị thay lại cũng có thể nhận thấy trên các mẫu máy “in-house” của các thương hiệu khác chung nhà Richemont như Baume & Mercier, IWC, Vacheron Constantin, Piaget và Cartier. Vậy ký hiệu này nghĩa là gì? Đó chính là ký hiệu do nhà máy của ValFleurier đóng lên những sản phẩm của mình.


Hình ảnh các ký hiệu của ValFleurier xuất hiện trên máy của các thương hiệu khác nhau

Một thông tin buồn và khá khó chấp nhận đúng không nào? Vậy ý kiến của các bạn là gì sau những phát hiện vô cùng chấn động này của blogger Perezcope. Hãy cùng chia sẻ với Watches nhé. Hãy ghé thăm website của Watches để luôn cập nhật những tin tức mới nhất và thú vị nhất của thế giới đồng hồ nhé!

———————————————————–

Để được tư vấn cụ thể, Quý khách hàng liên hệ tới Watches qua:
Hotline: 1800 6785
Facebook: https://www.facebook.com/WatchesWatch/
Hệ thống Showroom: https://galle.vn/he-thong-cua-hang.html

Nguồn bài viết: https://galle.vn/tin-tuc/su-that-dang-sau-nhung-bo-may-gan-mac-in-house-cua-nha-richemont.html