Đồng hồ Panerai và sự thật ẩn sau những bộ máy gắn mác “in-house”

Gần đây, các trang mạng xã hội đang dậy sóng khi một người chơi đồng hồ khá có tiếng – Jose Pereztroika hay còn được biết đến là Perezcope đã “vạch trần” sự thật đằng sau những bộ chuyển động mà thương hiệu nổi tiếng Panerai quảng bá là máy in-house do hãng tự sản xuất. Vậy sự thật này là gì? Hãy cùng Watches khám phá qua bài tổng hợp ngày hôm nay nhé!


Giới thiệu qua một chút về thì Jose Pereztroika hay còn được biết đến là Perezcope từng rất nổi tiếng trong giới đồng hồ với rất nhiều bài “bóc phốt” các thương hiệu lớn trong giới đồng hồ, thậm chí cả các nhà đấu giá nổi tiếng như Phillips. Anh không chỉ nổi tiếng trên các diễn đàn, mà còn sở hữu cả các nền tảng mạng xã hội và website với lượng người theo dõi lớn nhờ những bài viết chuyên sâu về lịch sử và kiến thức chuyên môn nhờ kinh nghiệm lâu năm làm trong ngành thiết kế và kiến trúc nội thất.


Perezcope từng “vạch trần” việc công ty đấu giá nổi tiếng Phillips bán một chiếc Rolex fake

Vậy tại sao gần đây Perezcope tiếp tục có thêm một bài “vạch trần” về thương hiệu đồng hồ Panerai, dù cho anh là một fan cứng, thậm chí có riêng một mục trên diễn đàn những người yêu Panerai tại Italia?

Đó là bởi anh vô cùng bức xúc khi phát hiện ra bộ máy in-house mới P.9200 mà Panerai sử dụng trên dòng sản phẩm chronograph mới nhất, thực chất lại là bộ máy ETA 2892-A2 với tính năng bấm giờ được thêm vào nhờ mô-đun sản xuất bởi thương hiệu Dubois Dépraz.

Chiếc Panerai gây tranh cãi lớn thời gian gần đây

Sự thật về bộ máy gắn mác “in-house” Panerai P.9200

Dòng sản phẩm mà chúng tôi đang nói đến được thương hiệu Panerai giới thiệu lần đầu đến công chúng tại sự kiện Watches and Wonders hồi tháng Tư năm 2021. Đây là dòng sản phẩm gồm 5 phiên bản, với 4 mẫu làm từ thép và 1 mẫu có vỏ làm từ vàng 18k nguyên khối. Trên các phiên bản có vỏ thép (PAM01109, PAM01110, PAM01218 và PAM01303 Luna Rossa), bộ máy được che kín bởi nắp đáy (không có mặt kính lộ máy). Trong khi đó, ở phiên bản vỏ vàng (PAM01111) bộ máy lại được để lộ “lấp ló” phía sau một mặt kính sapphire có màu tối, và trang trí bởi các họa tiết dạng sóng khá lạ mắt.

Tham khảo thêm:  [Watch Master] Cách xác định đồng hồ Breitling chính hãng

Chiếc Panerai PAM01111 vỏ vàng mới được ra mắt

Với dòng máy P.9200 trong dòng sản phẩm này, rất nhiều kênh truyền thông lớn như Hodinkee hay Revolution đã quảng bá rằng đây là bộ máy in-house. Vì đây là quy tắc đặt mã hiệu máy của Panerai. Còn với các bộ máy được sản xuất từ bên thứ ba, Panerai thường đặt tên bắt đầu bởi ký hiệu OP.  Ví dụ như bộ máy OP XXXIV trên các dòng sản phẩm nổi tiếng như Luminor Due và Submersible. Bộ máy OP XXXIV được sản xuất bởi thương hiệu ValFleurier, một nhà sản xuất máy thuộc tập đoàn Richemont. Đây cũng chính là tập đoàn mẹ của thương hiệu Panerai và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng khác như Cartier, Jaeger LeCoultre, Vacheron Constantin, IWC,…

Máy OP XXXIV trên dòng Panerai Luminor Due

Quay lại với bộ máy P.9200, dù rất nhiều blog hay các trang tin nổi tiếng đều đưa tin rằng đây là một bộ máy in-house nhưng không hề có động thái nào từ phía Panerai khẳng định hay đính chính thông tin liên quan.

Và sau đó, một diễn biến khá bất ngờ xảy ra khiến Perezcope bức xúc và phải lên tiếng. Đó là trên trang Instagram của thương hiệu đồng hồ Panerai, một fan đã đặt câu hỏi liệu bộ máy P.9200 có phải là máy in-house không. Câu trả lời từ phía Panerai là có.

Vậy Panerai có thực sự tự sản xuất được máy?

Thực chất bộ máy này có phải in-house hay là máy ETA như khẳng định của Perezcope? Hãy cùng xem kỹ các bức ảnh bằng chứng mà blogger nổi tiếng này cung cấp nhé.

Tham khảo thêm:  Những lưu ý khi chơi đồng hồ vintage

Hãy cùng quan sát bức ảnh chụp mặt sau của mẫu Panerai chronograph vỏ vàng khối 18k được lấy từ website chính thức của hãng. Có thể thấy mặt kính phía sau có màu rất tối, hầu như rất khó nhìn kỹ được bộ máy bên trong. Sử dụng một chút thủ thuật trên Photoshop, ta sẽ có bức ảnh sáng hơn và nhìn kỹ bộ máy hơn (bên phải). Và sự thật giờ đã lộ rõ khi ta phóng to bức ảnh lên. Ký hiệu rõ ràng trên bộ máy là 2892A2, và đây là ký hiệu vô cùng quen thuộc trên các dòng máy ETA 2892-A2. Máy in-house của Panerai là máy ETA?

Đi sâu hơn ta có thể thấy, máy ETA 2892 mà Panerai sử dụng thậm chí còn chỉ là loại Standard tức là dòng máy thô nhập từ ETA với phân cấp thuộc loại thấp nhất, không có họa tiết trang trí cao cấp nào. Trong khi đó, cũng loại máy ETA 2892-A2 này trên một chiếc Tudor với giá chỉ 3,000 USD (giá chiếc Panerai vàng khối tới… 27,000 USD) thì máy của Tudor thuộc cấp độ Élaboré với nhiều họa tiết trang trí tỉ mỉ với độ hoàn thiện cao.

So sánh máy ETA 2892-A2 của Tudor (trái) và Panerai (phải)

Như đã nhắc ở trên, những bộ máy mà Panerai nhập từ bên thứ ba thường có ký hiệu đầu là OP tiếp theo là các con số La Mã (VD: OP XI là máy ETA 6497-2). Còn máy in-house của hãng thường có ký tự đầu là P. đi sau là các con số (Ví dụ: P.2002). Bộ máy OP XXXIV được sản xuất bởi ValFleurier là bộ máy cuối cùng có ký tự đầu là OP. Và thật thú vị, thương hiệu Panerai gần đây lại cho đổi tên dòng OP XXXIV. Giờ đây bộ máy này lại có tên là P.900 và được coi là máy in-house?. Có thể thấy qua ảnh thì bộ máy P.900 nhìn không khác gì máy OP XXXIV.

Tham khảo thêm:  Chọn đồng hồ hợp tính cách

Máy OP XXXIV và máy P.900

Qua bài viết ngày hôm nay có thể thấy bộ máy mới của Panerai thực chất là máy nhập từ ETA và không có bằng chứng nào chứng minh đây là máy in-house cả. Có thể nói đây là một cú sốc rất lớn với những ai yêu mến thương hiệu này. Trong các bài viết tới, Watches sẽ chia sẻ thêm nhiều thông tin hơn về các bộ máy khác của Panerai. Các bạn hãy cùng đón đọc nhé. Hãy ghé thăm website của Watches để luôn cập nhật những tin tức mới nhất và thú vị nhất của thế giới đồng hồ nhé!

———————————————————–

Để được tư vấn cụ thể, Quý khách hàng liên hệ tới Watches qua:
Hotline: 1800 6785
Facebook: https://www.facebook.com/WatchesWatch/
Hệ thống Showroom: https://galle.vn/he-thong-cua-hang.html

Nguồn bài viết: https://galle.vn/tin-tuc/dong-ho-panerai-va-su-that-an-sau-nhung-bo-may-gan-mac-in-house.html